Cho cá chép ăn đồ nhập ngoại để "vỗ giòn", lão nông thu lãi 2 tỷ đồng/năm
Thay vì nuôi cá chép thông thường, ông Lê Văn Dũng (ở Đồng Tháp) cho cá ăn đậu tằm nhập ngoại để thành chép giòn, được nhà hàng săn lùng. Mỗi năm ông xuất trên 200 tấn cá, lợi nhuận từ 2 tỷ đồng.
Tỷ phú cá chép giòn
Mô hình nuôi cá chép giòn không còn mới trong những năm gần đây song để con cá chép giòn có mức độ phủ sóng rộng khắp như hiện tại phải nhắc đến ông Lê Văn Dũng - nông dân đầu tiên ở Đồng Tháp phát triển nuôi cá chép giòn trên lồng bè.
Hơn 20 năm trước ông Dũng nuôi cá bè ở cù lao Long Phú Thuận (huyện Hồng Ngự). Khi ấy, cơ nghiệp của ông gắn liền với nghề nuôi cá tra, cá diêu hồng, cá bống tượng... Sản xuất cá thịt và cá giống, anh nông dân xứ Đồng Tháp Mười trở thành "tỷ phú cá bè" ở tuổi 40.
Bước sang giai đoạn năm 2010, khi con cá tra dần mất vị thế vì nhiều người đổ xô vào đầu tư nuôi khiến cung vượt cầu, giá cá lao dốc, ông buộc phải tìm những loại cá có giá trị kinh tế cao hơn để đầu tư sản xuất.
"Tình cờ có dịp đi ra miền Bắc, được sự chỉ dẫn của anh em trong nghề, tôi biết loài cá chép giòn có giá trị dinh dưỡng, thịt ngon, giá trị thương phẩm cao nên đã học hỏi cách nuôi và mua con giống về nuôi thử tại bè", ông Dũng chia sẻ.
Trải qua nhiều lần nuôi thử nghiệm, lão nông nhận thấy mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng bè rất thích hợp. Tận dụng hệ thống lồng bè sẵn có của gia đình, ông chuyển hết sang nuôi cá chép giòn.
Theo ông Dũng, trong quá trình nuôi, so với các loài cá khác, cá chép giòn ít bệnh, sức tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, lợi nhuận từ nuôi cá chép giòn cao hơn từ 5 đến 6 lần so với các loại cá khác.
Nuôi cá chép giòn ở cù lao Long Phú Thuận không lâu, đến năm 2014, khi nguồn nước ở khu vực sông Cái Vừng (huyện Hồng Ngự) không còn phù hợp, ông Dũng di dời bè cá chép giòn ra sông Tiền, đoạn chảy qua xã An Phong, huyện Thanh Bình để nuôi cho đến nay.
"Chu kỳ nuôi cá chép giòn mất khoảng 10 tháng. Cá giống nuôi 6 tháng bằng thức ăn công nghiệp để đạt trọng lượng 1,5kg/con thì chuyển sang bè khác, cho ăn đậu tằm để thịt cá hóa giòn. Giai đoạn này phải nuôi thêm 4 tháng nữa", ông Dũng chia sẻ.
Trước đây, ông Dũng phải nhập khẩu đậu tằm ở Trung Quốc, giá khá cao nhưng vài năm gần đây, các nước như Úc, Canada đã sản xuất được đậu tằm giá rẻ hơn nên chi phí đầu vào giảm được đáng kể. Bình quân, với 15 bè cá chép giòn, sản lượng hơn 200 tấn cá, mỗi ngày, ông tốn khoảng 10-15 triệu đồng tiền mua đậu tằm "vỗ giòn" cho cá.
"Trước khi cho cá ăn phải ngâm mềm đậu tằm, mất khoảng một ngày. Loại thức ăn này không làm cá tăng trọng như thức ăn công nghiệp mà làm thịt cá dai và giòn hơn nên mới gọi là cá chép giòn", lão nông U60 nói thêm.
Dù nuôi thành công nhưng để con cá chép giòn được thực khách chấp nhận là một chuyện không dễ. Có một khoảng thời gian, ông Dũng đều đặn chở cá chép đến các nhà hàng, quán ăn để tiếp thị loại sản phẩm mới.
"Cho họ dùng thử miễn phí, thấy được họ mới nhập hàng. Thậm chí, tôi còn vào bếp để chế biến các món ăn từ cá chép giòn giới thiệu cho khách", ông Dũng kể.
Lúc cá chép giòn mới xuất hiện trên thị trường, giá bán có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg, thương lái phải xếp hàng mới đến lượt mua. Mấy năm nay, nghề nuôi cá chép giòn được phổ biến nhiều hơn, thị trường tiêu thụ dần bão hòa, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá chỉ còn 80.000-100.000 đồng/kg. Dù vậy, ông vẫn xuất bán được 200 tấn mỗi năm, trừ hết chi phí thì lãi được 2 tỷ đồng.
Hiện cá chép giòn của ông Dũng đã được tiêu thụ ở nhiều nơi tại miền Tây, TPHCM và miền Trung. Ông đang tìm các đơn vị xuất khẩu thủy sản để liên kết đưa con cá chép giòn xuất ra nước ngoài.
Bảo tồn "thủy quái" sông Mekong
Song song với nghề nuôi cá chép giòn, 15 bè cá còn lại, ông tập trung phát triển một số loại cá như cá trắm cỏ, cá lăng nha, cá nheo, cá mè. Đặc biệt, ông Dũng đang nuôi bảo tồn một số loại cá sắp tuyệt chủng như cá hô, cá cóc.
"Tôi không đợi cá chép giòn dội chợ như con cá tra mới chuyển sang tìm loại thủy sản khác thay thế mà ngay từ lúc mô hình này đang phát triển, tôi đã nuôi đa dạng thủy sản, nuôi mỗi loại vài chục tấn, tránh tình trạng cung vượt cầu làm sản phẩm rớt giá", ông Dũng lý giải.
Theo đó, các loại cá này được ông mua giống và nuôi thử nghiệm hơn một năm nay, hiện đang tiến triển khá tốt. Do là giống cá đặc biệt nên cá đạt trọng lượng từ 6 đến 10kg/con ông Dũng mới bán.
Ngoài ra, "vua cá chép giòn Đồng Tháp" còn đang nuôi thử cá trắm cỏ giòn với số lượng 50 tấn.
"Tôi cũng có cá trắm cỏ ăn đậu tằm để thịt được giòn, nuôi được 8 tháng rồi, ít tháng nữa mới thu hoạch lứa cá đầu tiên xem chất lượng ra sao. Nếu ổn tôi sẽ mở rộng mô hình", lão nông Lê Văn Dũng tiết lộ.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Dũng còn tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương. Với những cống hiến trên, năm 2021 ông Dũng được UBND huyện Thanh Bình trao tặng bằng khen nông dân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất chăn nuôi thủy sản.
(Theo Dân trí)
Nuôi cá 'quý tộc', chàng trai vùng sâu thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm
“Tôi cắm chiếc xe máy của mình được 5 triệu đồng, mua 10kg cá koi về thuần dưỡng, sau khi bán lãi gần 1 triệu. Hiện tôi đã phát triển được 3 trại thuần dưỡng cá koi ở các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng và Đắk Lắk”, Phạm Thế Hùng.
Quà tặng gốm sứ là món quà ý nghĩa cho gia đình khi làm quà tặng, với vẻ đẹp sang trọng và nổi tiếng với chất liệu gốm Bát Tràng. Tim hiểu ngay nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét