Những chính sách lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 4
Nâng thời gian làm thêm, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, điều chỉnh bảng lương công chức quản lý thị trường... là những chính sách lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2022.
Nâng giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng
Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng gia sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 quy định về việc tăng số giờ làm thêm của người lao động. Nghị quyết có hiệu từ 1/4/2022.
Theo đó, thay vì chỉ áp dụng thời gian làm thêm tối đa 300 giờ/năm đối với một số ngành nghề, công việc nhất định, Nghị quyết 17 cho phép người sử dụng lao động khi có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm lên đến 300 giờ/năm, trừ một số trường hợp như: người lao động dưới 18 tuổi, lao động khuyết tật, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng,...
Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết 17 quy định: "Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng".
Áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc
Từ tháng 11/2021, hóa đơn điện tử đã được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư) |
Sang đến tháng 4/2022, theo Quyết định số 206/QĐ-BTC về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, 57 tỉnh, thành trực thuộc TƯ còn lại sẽ được triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.
Giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Trong đó: xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Với nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.
Mức điều chỉnh này áp dụng từ 1/4 đến 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14.
Điều kiện để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt
Theo Thông tư 06/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, hàng hóa nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia hoặc cơ quan được ủy quyền cấp theo quy định của phía Campuchia và làm thủ tục hải quan nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BCT.
Riêng đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân nhập khẩu phải có Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và Thông tư 12/2018/TT-BCT; số lượng nhập khẩu được trừ vào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo giấy phép do Bộ Công Thương cấp.
Hỗ trợ đào tạo nghề du lịch
Thông tư 12/2022/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 9/4/2022, quy định mức hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch như sau: với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc, từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Điều chỉnh bảng lương công chức quản lý thị trường
Có hiệu lực từ 1/4/2022, Thông tư 02/2022/TT-BCT quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức Quản lý thị trường. Cụ thể:
Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21,187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 8 x 1.490.000 đồng = 11.920.000 đồng.
Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. Theo đó, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 6,78 x 1.490.000 đồng = 10.102.200 đồng.
Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mã số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 4,98 x 1.490.000 đồng = 7.420.200 đồng.
Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89. Mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 4,89 x 1.490.000 đồng = 7.282.100 đồng.
Tiền lương tính hưởng chế độ với viên chức quốc phòng thôi việc
Theo quy định tại Nghị định 19/2022 (có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2022), một trong những chế độ với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là được hưởng trợ cấp một lần.
Theo đó, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.
Trong đó, tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc, bao gồm:
- Tiền lương theo loại, nhóm, bậc đối với công nhân quốc phòng; nhóm, ngạch, bậc đối với viên chức quốc phòng;
- Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Bổ nhiệm, xếp lương giảng viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng
Theo quy định mới tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT (sửa đổi Thông tư 35/2020; Thông tư 40/2020) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không còn yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cho từng hạng (giảng viên hạng I,II,III) như hiện hành. Thay vào đó là quy định chung các hạng giảng viên chỉ cần duy nhất một chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 19/4/2022.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022
Tại phiên họp về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra chiều 28-3, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 cho người lao động tại doanh nghiệp.
Quà tặng gốm sứ là món quà ý nghĩa cho gia đình khi làm quà tặng, với vẻ đẹp sang trọng và nổi tiếng với chất liệu gốm Bát Tràng. Tim hiểu ngay nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét